Dầu biến động hai chiều song giảm 17% trong quý III do nhu cầu yếu
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu có những biến động trái chiều, nhưng vẫn giảm tới 17% trong quý III do lo ngại về xung đột mở rộng ở Trung Đông bị lấn át bởi sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu. Giá dầu thô Brent giao tháng 11 giảm 21 cent, xuống còn 71,7 USD/thùng, trong khi hợp đồng Brent tháng 12 tăng 27 cent, lên mức 71,81 USD/thùng.
Dầu Brent đã giảm 9% trong tháng 9, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022, và sau ba tháng liên tiếp sụt giảm, giá đã hạ 17% trong quý III, đánh dấu mức giảm hàng quý lớn nhất trong một năm.
Dầu WTI của Mỹ chỉ giảm 1 cent, xuống còn 68,17 USD/thùng, và ghi nhận mức giảm 7% trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2023, với tổng mức giảm 16% trong quý, đây cũng là mức giảm lớn nhất từ quý III/2023.
Giá dầu vẫn chịu tác động từ khả năng Iran, một nhà sản xuất lớn và thành viên của OPEC, có thể bị kéo vào cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông. Từ tuần trước, Israel đã leo thang các cuộc tấn công, nhắm vào các nhà lãnh đạo Hezbollah và Hamas ở Lebanon, cũng như các mục tiêu Houthi ở Yemen, cả ba nhóm đều được Iran hậu thuẫn. Thị trường hiện đang lo ngại về việc liệu xung đột có thể lan rộng hơn nữa hay không, theo Tim Snyder, chuyên gia kinh tế tại Matador Economics.
Vàng giảm nhẹ nhưng tăng 13% trong quý III
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giảm nhẹ nhưng vẫn ghi nhận mức tăng 13% trong quý III, cao nhất kể từ năm 2020. Trước đó, vàng đã chạm mức kỷ lục 2.685,42 USD vào thứ Năm tuần trước, nhờ vào động thái cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và những căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Vàng giao ngay giảm 0,9%, xuống còn 2.634,75 USD/ounce vào lúc 18:08 GMT, trong khi giá vàng kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,3%, còn 2.659,40 USD/ounce.
Goldman Sachs đã nâng dự báo giá vàng lên 2.900 USD/ounce vào đầu năm 2025, so với mức dự báo trước đó là 2.700 USD/ounce.
Bên cạnh đó, giá bạc giảm 1,7% xuống 31,08 USD/ounce, dù vẫn tăng 6,7% trong quý. Platinum giảm 2,2%, còn 977,90 USD, và Palladium giảm 1,5% xuống 996,00 USD nhưng vẫn có khả năng ghi nhận mức tăng hàng quý.
Đồng giảm sau khi đạt mức cao nhất trong bốn tháng
Giá đồng tại London giảm khi một số nhà đầu tư chốt lời sau khi kim loại này đã ghi nhận đà tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4, nhờ các biện pháp kích thích kinh tế từ Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) giảm 1,6%, còn 9.817 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 7/6 là 10.158 USD. Dù vậy, giá đồng vẫn tăng 6,5% trong tháng 9.
Cổ phiếu Trung Quốc cũng tăng mạnh vào thứ Hai khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố sẽ yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất thế chấp cho các khoản vay mua nhà hiện tại trước ngày 31/10, như một phần trong gói chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
Trên sàn LME, giá niken tăng 3,4% lên 17.570 USD/tấn, trong khi giá kẽm giảm 0,2% còn 3.083 USD/tấn, chì mất 1,0% xuống 2.096,50 USD/tấn, và thiếc tăng 1,8% lên 33.465 USD/tấn. Giá nhôm cũng giảm 1,6%, còn 2.603 USD/tấn.
Theo Nhóm Nghiên cứu Chì và Kẽm Quốc tế, thị trường kẽm có khả năng đối mặt với tình trạng thâm hụt trong năm nay, trái ngược với dự báo thặng dư trước đó.
Quặng sắt cao nhất 3 tháng nhờ gói kích thích bất động sản mới của Trung Quốc
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn đã tăng lên mức cao nhất trong gần ba tháng, nhờ kỳ vọng nhu cầu tăng trưởng sau khi Trung Quốc tung ra gói kích thích bất động sản mới cùng với các chính sách nới lỏng tiền tệ.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã tăng 10,71%, đóng cửa ở mức 821,5 nhân dân tệ (khoảng 117,14 USD)/tấn. Trước đó trong phiên, hợp đồng này đã chạm mức 835 nhân dân tệ, cao nhất kể từ ngày 16/7.
Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt giao tháng 11 chuẩn tăng 9,76% lên 112,05 USD/tấn vào lúc 07:10 GMT, sau khi đạt mức đỉnh trong ngày là 113 USD, mức cao nhất kể từ ngày 5/7. Cả hai loại hợp đồng đều ghi nhận mức tăng trên 10% trong tuần trước.
Ngô cao nhất 3 tháng, lúa mì tăng nhẹ, đậu tương giảm
Giá ngô kỳ hạn tại Chicago đã tăng lên mức cao nhất trong hơn ba tháng, do thông tin về lượng dự trữ ngô khổng lồ của Mỹ vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng thị trường, theo các nhà phân tích. Tính đến ngày 1/9, dự trữ ngô đạt 1,76 tỷ giạ, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong bốn năm qua, theo báo cáo hàng quý của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào thứ Hai.
Hợp đồng ngô có khối lượng giao dịch lớn nhất trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) tăng 6-3/4 cent, lên mức 4,24-3/4 USD/bushel. Trước đó, hợp đồng này đã chạm ngưỡng 4,27-3/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ ngày 28/6.
Giá lúa mì kỳ hạn trên CBOT kết thúc phiên tăng 4 cent, đạt 5,84 USD/bushel, do lo ngại về thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản lượng toàn cầu và sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm ước tính sản lượng lúa mì của nước này, theo các chuyên gia phân tích.
Trong khi đó, giá đậu tương kỳ hạn ghi nhận một phiên giao dịch ảm đạm, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo lượng dự trữ đậu tương ngày 1/9 đạt mức cao nhất trong bốn năm. Hợp đồng đậu tương trên CBOT giảm 8-3/4 cent xuống còn 10,57 USD/bushel. Trước đó, vào thứ Sáu tuần trước, giá đậu tương đã đạt mức cao nhất trong hai tháng khi cơn bão Helene tàn phá mùa màng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Bờ Vịnh Hoa Kỳ.
Đường thô giảm, ca cao trượt giá, cà phê tăng
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE đã kết thúc phiên giảm, do dự báo về sự trở lại của mưa tại Brazil, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới. Đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,12 cent, tương đương 0,5%, xuống còn 22,67 cent/pound, lùi xa khỏi mức đỉnh 7 tháng đạt được vào tuần trước. Trong khi đó, đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng nhẹ 0,2%, đạt 577,50 USD/tấn. Green Pool, một công ty phân tích, đã giảm dự báo sản lượng đường của Brazil xuống còn 39,1 triệu tấn trong niên vụ này.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 0,4% lên 2,7025 USD/pound, sau khi đạt mức cao nhất trong 13 năm vào tuần trước. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 cũng tăng 0,3%, lên 5.498 USD/tấn.
Ngược lại, giá ca cao kỳ hạn tháng 12 tại New York giảm mạnh 559 USD, tương đương 6,8%, xuống còn 7.722 USD/tấn, sau khi tăng 8% vào tuần trước. Điều kiện thời tiết thuận lợi tại Bờ Biển Ngà, nước sản xuất ca cao hàng đầu thế giới, đang cải thiện dự báo vụ mùa và giúp kiềm chế đà tăng giá. Ca cao London kỳ hạn tháng 3 cũng giảm 4,1%, xuống còn 4.550 pound/tấn.
Cao su Nhật Bản tăng, cao su Thượng Hải cao nhất trong 7 năm
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản đã tăng nhờ sự đi lên của giá dầu, mặc dù mức tăng bị hạn chế do đồng yên mạnh hơn. Hợp đồng cao su giao tháng 3/2025 tăng 11,3 yên, tương đương 2,88%, lên 403,3 yên/kg (khoảng 2,84 USD). Trước đó, hợp đồng này đạt mức cao nhất trong 13 năm là 407,2 yên (tương đương 2,87 USD), đỉnh điểm kể từ ngày 25/4/2011.
Tại Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), hợp đồng cao su giao tháng 1 kết thúc phiên tăng 1.195 nhân dân tệ, tương đương 6,48%, đạt 19.645 nhân dân tệ/tấn (khoảng 2.801,15 USD). Trước đó, hợp đồng này chạm mức cao nhất trong 7 năm với 19.780 nhân dân tệ (tương đương 2.820,40 USD), mức cao nhất kể từ ngày 23/2/2017.
Hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ năm liên tiếp, trong khi lĩnh vực dịch vụ sụt giảm mạnh trong tháng 9. Điều này cho thấy Bắc Kinh cần có thêm các biện pháp kích thích để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, ngoài các gói hỗ trợ kinh tế hiện tại.
Trên sàn SICOM, hợp đồng cao su giao tháng trước chốt phiên ở mức 218,7 cent Mỹ/kg, tăng 10%.
XEM THÊM : Hàng hóa phái sinh là gì? Tìm hiểu cách đầu tư hàng hóa sinh lời