Sự kiện vĩ mô trong tuần
Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Thước đo lạm phát yêu thích của Fed - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - dự kiến sẽ được công bố vào thứ Sáu và sẽ được theo dõi chặt chẽ để có thêm manh mối về triển vọng lãi suất trong thời gian còn lại của năm.
Dữ liệu này được đưa ra khi các thị trường đang dần chấp nhận câu chuyện về lãi suất cao trong thời gian dài hơn sau biên bản họp FOMC tuần trước, cùng với những nhận xét thận trọng từ các nhà hoạch định chính sách bày tỏ nghi ngại về tiến trình lạm phát.
Các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội được nghe ý kiến từ một số quan chức Fed trong tuần, bao gồm Thống đốc Michelle Bowman, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester, Thống đốc Lisa Cook, Chủ tịch Fed New York John Williams và Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic.
Lạm phát khu vực đồng Euro
Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết sẽ cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục 4% trong cuộc họp tháng 6 sắp tới, nhưng vẫn còn phải xem xét thêm về lộ trình cắt giảm lãi suất sau đó, đặc biệt nếu dữ liệu lạm phát vào thứ Sáu cho thấy áp lực giá cả vẫn không ổn định.
Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát khu vực đồng euro sẽ tăng 2,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 2,4% trong tháng 4, trong khi lạm phát lõi được giữ ổn định ở mức 2,7% .
Điều này khó có thể ngăn ECB cắt giảm lãi suất vào tháng 6, mặc dù một số quan chức đã phản đối sự cần thiết của việc nới lỏng hơn nữa.
Lịch kinh tế của khối cũng bao gồm chỉ số môi trường kinh doanh Ifo của Đức vào thứ Hai và cuộc khảo sát về kỳ vọng lạm phát của ECB vào thứ Ba.
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu về lợi nhuận công nghiệp từ đầu năm đến nay vào thứ Hai, khi thị trường mong muốn xem liệu lợi nhuận có phục hồi trong tháng 4 hay không sau khi mức giảm mạnh trong tháng trước đã làm chậm tốc độ tăng ba tháng đầu năm xuống còn 4,3%.
Trung Quốc cũng sẽ công bố chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất chính thức vào thứ Sáu. Các nhà kinh tế dự báo chỉ số sản xuất sẽ duy trì ngay trên ngưỡng 50 trong tháng thứ ba liên tiếp.
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng khoảng 5% trong năm nay, đây sẽ là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản yếu kém và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.
Thị trường hàng hoá theo góc nhìn của HCT Research
Một lần nữa, kỳ vọng về chính sách của Fed đã thay đổi, với cuộc đối thoại mang tính diều hâu gần đây đã làm giảm triển vọng cắt giảm lãi suất. Thị trường bắt đầu xuất hiện một số kỳ vọng không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này khiến đồng đô la Mỹ tăng cao hơn trong tuần trước và làm giảm sức hấp dẫn của hàng hóa Mỹ trên thị trường toàn cầu. Sự lạc quan về AI vẫn là động lực tăng giá trên thị trường chứng khoán và thúc đẩy tâm lý kinh tế bên cạnh sự thất vọng về việc cắt giảm lãi suất.
Quan điểm chính sách diều hâu của Fed và tình trạng quá mua đã khiến giá vàng và bạc điều chỉnh đáng kể và có thể kéo dài cho đến khi dữ liệu PCE của Mỹ được công bố. Vị thế mở đối với vàng và bạc gần đây đã đạt mức cao nhất trong vài năm, với vàng trên 500.000 hợp đồng và bạc trên 174.000.
Đối với nhóm nông sản, tình trạng khô hạn ở Mỹ, hạn hán ở Nga, hạn hán ở Nam Mỹ, lũ lụt ở Brazil và mối đe dọa đối với nguồn cung của Ukraine sẽ là những động lực hỗ trợ thị trường.
Quan điểm dự báo
USD | Dao động trong biên độ | Trung lập |
Vàng | Giá vàng chạm đáy nhưng cần thêm động lực tăng giá | Tích cực |
Bạc | Giá bạc đang tạo đáy nhưng sẽ biến động mạnh | Tích cực |
Đồng | Mua khi giá giảm sâu hơn, được hỗ trợ nhờ các biện pháp hỗ trợ từ Trung Quốc | Tích cực |
Dầu thô | Chờ đợi mức đáy 75 USD đối với hợp đồng tháng 7 | Tích cực |
Xăng | Chờ đợi mức đáy 2.39 USD đối với hợp đồng tháng 7 | Tích cực |
Khí tự nhiên | Quá mua trong ngắn hạn, phe mua cần hỗ trợ từ thời tiết nắng nóng trong mùa hè | Tiêu cực |
Đậu tương | Mùa vụ tại Nam Mỹ hỗ trợ, mùa vụ tại Mỹ gây áp lực | Trung lập |
Ngô | Đi ngang trong biên độ, chịu áp lực bởi nguồn cung từ Nga | Trung lập |
Lúa mì | Xu hướng tăng nhưng quá mua trong ngắn hạn | Trung lập |
Đường | Sản lượng nghiền mía dự kiến giảm trong quý 3 | Tích cực |
Cà phê | Khô hạn ở Brazil và Việt Nam | Tích cực |
Ca cao | Được hỗ trợ nhờ chứng nhận công bằng thương mại | Tích cực |
Bông | Cần hỗ trợ nhiều hơn từ yếu tố thời tiết | Tích cực |
Liệu việc FED giữ nguyên lãi suất có thúc đẩy Trung Quốc mua vào trái phiếu?
Hiện tại, nhiều người dự đoán rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ giữ nguyên lãi suất tại các cuộc họp chính sách vào tháng 6 và tháng 7. Điều này trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của thị trường vào đầu năm khi “biểu đồ dấu chấm” của Fed dự kiến cắt giảm 75 điểm cơ bản. Kể từ tháng 1, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 3,88% lên 4,47% và lợi suất kỳ hạn 30 năm tăng từ 4,03% lên 4,58%.
Báo cáo nguồn vốn quốc tế của Kho bạc hàng tháng (thường gọi là báo cáo TIC) cho thấy lượng nắm giữ trái phiếu của nước ngoài đã đạt kỷ lục 8,091 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3.
Thị trường thường theo dõi lượng nắm giữ của Trung Quốc và Nhật Bản bởi 2 quốc gia này nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất cho đến nay. Tuy nhiên, lượng nắm giữ của cả 2 đã giảm mạnh trong 10 năm qua, từ 41,5% vào tháng 3/2014 xuống còn 24,2% vào tháng 3/2024.
Lượng nắm giữ của Trung Quốc đã có xu hướng giảm dài hạn kể từ năm 2013 và đã giảm xuống dưới mức nắm giữ của Nhật Bản vào tháng 6/2019. Trong 2 năm qua, chỉ có 4 tháng cho thấy sự gia tăng hàng tháng. Lượng nắm giữ trong tháng 3 đã giảm xuống còn 767,4 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009.
Những thay đổi về cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất, Trung Quốc có thể tăng lượng nắm giữ trái phiếu Kho bạc trở lại và điều này có thể làm giảm lợi suất trái phiếu.
Khí tự nhiên - các yếu tố tiêu cực giảm dần
Giá khí tự nhiên đã hồi phục đáng kể với mức tăng gần $0,8 kể từ đầu tháng 5. Mặc dù nguồn cung của Mỹ vẫn đang cao hơn 29% so với mức trung bình 5 năm, song nếu so với con số 41% hồi đầu năm thì đây là một tín hiệu khá tích cực.
Đợt nóng đầu mùa ở một vài khu vực cho thấy nhu cầu làm mát ở mức cao, với 17 ngày ghi nhận nhiệt độ trên mức trung bình tại Mỹ trong 3 tuần qua.
Về xuất khẩu, EIA hiện dự báo công suất xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây tại thời điểm cuối năm, tăng 4 bcf/ngày, +33% so với 2023. Tuy nhiên, mức công suất thực tế đã gần đạt con số dự báo, do đó chỉ cần một trục trặc nhỏ ở các cảng cũng có thể gây ra sự gián đoạn.
Về phân tích kỹ thuật, mặc dù đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, giá vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh lịch sử. Bên cạnh đó, việc loại bỏ dần những nhiên liệu gây ô nhiễm nặng như than và dầu thô có thể hỗ trợ xu hướng tăng bền vững của giá khí tự nhiên.
Trong ngắn hạn giá khí vẫn đang điều chỉnh sau khi quá mua, do đó NĐT nên giữ quan điểm thận trọng và lựa điểm vào để giải ngân dần. Hỗ trợ gần nhất là vùng $2,74 - $2,79 đối với hợp đồng tháng 8.
Đậu tương - tâm lí "mưa tạo hạt"
Giá đậu tương của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ ngày 25/1 trong tuần, được hỗ trợ bởi lực mua kỹ thuật mạnh mẽ và sự tăng giá của khô đậu tương và dầu đậu tương.
Hầu hết mọi người đều cho rằng Argentina sẽ giành lại thị phần vào thời điểm này trong năm, tuy nhiên việc thu hoạch tại đây đang chậm hơn bình thường.
Trong khi đó, các báo cáo gần đây về thiệt hại do sương giá và khô hạn ở các vùng lúa mì ở Nga có vẻ không quan trọng đối với giá khô đậu tương nếu nhìn từ bên ngoài, tuy nhiên, việc mất nguồn cung lúa mì làm thức ăn chăn nuôi có thể làm tăng nhu cầu đối với khô đậu tương.
Về phía Mỹ, thời tiết ẩm ướt đã trở thành đặc điểm của vùng Trung Tây Hoa Kỳ vào mùa xuân này, với một số khu vực ở Iowa lập kỷ lục về lượng mưa trong 30 ngày qua. Dự kiến tuần tới sẽ có mưa nhiều hơn ở phần trung tâm và phía đông của vành đai.
Tại Nam Mỹ, thiệt hại do lũ lụt ở miền Nam Brazil vẫn chưa được thống kê đầy đủ và nhà sản xuất silo lớn nhất cho biết họ sẽ thực hiện các đợt đánh giá thiệt hại đối với dự trữ ngũ cốc khi nước lũ rút. Sự không chắc chắn về sản lượng cuối cùng của mùa vụ ở Brazil vẫn còn cao.
Về phía nhu cầu, nhu cầu đậu tương của Trung Quốc rất chậm trong năm nay và họ vẫn chưa có đơn mua hàng vụ mùa mới nào từ Mỹ trên sổ sách. Tuy nhiên, Reuters đã báo cáo một số giao dịch vụ cũ trong tuần này.
Các báo cáo về tình trạng cây trồng hàng tuần của USDA sẽ bắt đầu vào đầu tháng 6 và thị trường sẽ chuyển trọng tâm từ tiến độ gieo trồng sang các điều kiện trồng trọt sớm (dự kiến sẽ rất tốt do điều kiện ẩm gần đây).
Triển vọng nhu cầu nhìn chung là giảm trừ khi xuất hiện mối đe dọa thời tiết đáng kể. Tâm lý 'mưa tạo hạt' có thể sắp xuất hiện và các nhà giao dịch có thể muốn bán khống khi giá tăng.
Ngô - thời tiết không còn ổn định và nhu cầu cao
Giá ngô ít biến động nhất trong nhóm ngũ cốc trong tuần, song vẫn duy trì xu hướng tăng. Giá lúa mì tăng mạnh đã hỗ trợ cho ngô.
Mưa lớn khắp các vùng Trung Tây và nhu cầu xuất khẩu vững chắc của Mỹ đã thúc đẩy lực mua, và các nhà giao dịch vẫn chưa chuyển sang tâm lý 'mưa tạo hạt’.
Mặc dù hạn hán ở Trung Tây gần như đã được khắc phục, vẫn còn những nghi vấn về diện tích gieo trồng ngô khi CEO của công ty Nutrien cho biết thông tin từ mạng lưới 600,000 nông dân của họ cho thấy diện tích gieo trồng ngô có thể giảm tới 3 triệu mẫu so với dự báo 90 triệu mẫu của USDA. Cho đến khi có báo cáo chính thức từ USDA về diện tích gieo trồng vào cuối tháng 6, sự không chắc chắn này sẽ giúp duy trì giá ngô trên thị trường, đặc biệt nếu diện tích thực tế gieo trồng thấp hơn dự báo 90 triệu mẫu sẽ là tín hiệu tăng giá đối với ngô.
Tại Đông Âu, khó có thể xác định được những bước tiến của Nga ở Ukraine, nhưng có dấu hiệu cho thấy sản lượng nông sản của Ukraine có thể giảm so với năm ngoái.
Tổng thống Nga Putin ám chỉ rằng ông có thể sẵn sàng thỏa thuận một hiệp định công nhận các ranh giới của chiến tuyến hiện tại.
Trong khi đó vài tháng tới, Ukraine sẽ là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ trong thị trường xuất khẩu nông sản, và giá nông sản của Ukraine đã tăng, thu hẹp khoảng cách giá với Mỹ.
Do cán cân cung – cầu của Mỹ đang nghiêng về phía thắt chặt, mở vị thế mua sẽ là lựa chọn hợp lý khi bất kỳ biến động thời tiết nhỏ nào cũng có thể gây ra sự tăng giá mạnh trên thị trường.
Đường - thị trường dường như đang bị định giá thấp
Giá đường đã phá xuống khỏi vùng tích luỹ cuối tháng 4 – đầu tháng 5 và đạt mức thấp nhất 14 tháng vào ngày 16/5. Trong 6 phiên gần đây, giá đã cố gắng để giữ trên mức đó và kết phiên tuần ghi nhận tăng điểm.
Thị trường đã chịu áp lực khi sản lượng đầu vụ ở khu vực Trung Nam Brazil tăng mạnh, với số liệu tháng 4 ghi nhận cao hơn 65% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng nghiền mía cũng cao hơn 5,5%, cho thấy các nhà máy đang ưu tiên sản xuất đường hơn là ethanol. Bên cạnh đó, tại Ấn Độ mùa gió mùa được kỳ vọng sẽ bắt đầu từ tuần này với các dự báo cho rằng lượng mưa đạt trên mức trung bình, giúp vụ mùa thuận lợi.
Quay trở lại với Brazil, thời tiết khô đã giúp khởi đầu vụ thuận lợi, tuy nhiên điều này có thể làm giảm năng suất khi mùa vụ tiến triển. Nhiều nhà phân tích vẫn kỳ vọng tổng sản lượng nghiền vụ 2024/25 sẽ thấp hơn so với 2023/24.
Ngoài ra, doanh số ethanol nội địa của Brazil đã cao hơn cùng kỳ kể từ tháng 8 năm ngoái, do đó các nhà máy có thể sẽ tăng tỷ trọng ethanol và giảm tỷ trọng đường trong chế biến sau này, dẫn đến xuất khẩu đường của Brazil sẽ giảm dần.
Về phía Ấn Độ và Thái Lan, xuất khẩu khả năng sẽ khó có thể tăng mạnh trong ngắn hạn, kể cả với dự báo sản lượng tăng. Ấn Độ hiện đang triển khai chính sách
khá tích cực đối với ethanol, do đó sẽ có rất ít dư địa cho xuất khẩu, kể cả khi lệnh cấm hiện tại được dỡ bỏ.
Nhìn chung, khả năng giá đường đang, hoặc rất gần với vùng đáy dài hạn. Thị trường dường như đang bị định giá thấp, và điều này sẽ tạo tiền đề cho xu hướng tăng trong tương lai.