Sự Kiện Vĩ Mô Trong Tuần
Quyết định lãi suất của Fed
Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Tư và thị trường thay vào đó sẽ tập trung vào số lần cắt giảm lãi suất được kỳ vọng trong thời gian còn lại của năm 2024. Biểu đồ “Dot plot” có thể sẽ cho thấy 2 lần cắt giảm 0,25% trong năm nay, giảm so với kỳ vọng 3 lần trước đó.
Dữ liệu việc làm hôm thứ Sáu cho thấy cả việc làm và tăng trưởng tiền lương đều tăng tốc trong tháng 5 mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay, với đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9.
Những bình luận gần đây của các quan chức Fed cho thấy họ không vội cắt giảm lãi suất vì lạm phát vẫn dai dẳng và triển vọng tăng trưởng vẫn vững chắc. Lạm phát đã hạ nhiệt sau đợt tăng lãi suất mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2022 nhưng vẫn chưa giảm xuống mục tiêu 2%.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ tháng 5
Số liệu lạm phát trong tháng 5 sẽ được công bố chỉ vài giờ trước tuyên bố của Fed vào thứ Tư. Những dấu hiệu cho thấy lạm phát suy giảm có thể củng cố kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất, đặc biệt là khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu về suy yếu kinh tế.
Các nhà đầu tưu đang tiếp tục đánh giá triển vọng nới lỏng tiền tệ của Fed trong năm nay, thậm chí còn có một số hy vọng mong manh về việc cắt giảm lãi suất vào tháng Bảy.
Dữ liệu nhiều khả năng sẽ thúc đẩy thị trường trước cuộc họp báo FOMC.
Thị Trường Hàng Hoá
Trong khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái thì những dấu hiệu về lạm phát cho thấy còn quá sớm để Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Do đó, việc số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Hoa Kỳ mạnh hơn nhiều so với dự kiến và thu nhập trung bình tăng lên rõ ràng đã đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất lùi lại trong năm nay. Thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ cho thấy mức giảm nhẹ so với tháng trước. Do đó, lợi suất trái phiếu kho bạc có thể duy trì mức cao tạm thời trước khi quyết định lãi suất và cuộc họp FOMC diễn ra. Tuy nhiên, lãi suất dự kiến sẽ được giữ nguyên và cuộc họp báo có thể sẽ không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về lộ trình lãi suất thời gian tới.
Trên thị trường nông sản, những lo ngại về hạn hán ở Mỹ gần như bị loại bỏ, với tiến độ trồng ngô gần như đã hoàn thành và tiến độ trồng đậu tương có khả năng tăng tốc. Do đó, giá nếu muốn tăng sẽ cần triển vọng mùa vụ ở Brazil và Nga tiếp tục xấu đi. Giá ngô và đậu tương có thể sẽ có nhiều biến động lớn khi thị trường chuyển trọng tâm sang báo cáo diện tích trồng ngô và đậu tương trong tuần này.
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu thô tháng 7 có thể đã tạo mức đáy quan trọng trong tuần đầu tiên của tháng 6 ở mức 72,50 USD. Tuy nhiên, để giá dầu tăng cao liên tục thì công suất lọc dầu vốn đã cao tại Mỹ sẽ phải tiếp tục tăng lên, cùng với đồng đô la Mỹ giảm và tin tức kinh tế tốt hơn từ Trung Quốc, để bù đắp cho lượng nhập khẩu dầu thô tháng 5 của Trung Quốc giảm.
Giống như dầu thô, thị trường vàng và bạc đều có thể đã tìm thấy mức hỗ trợ ở khoảng 2.339 USD đối với vàng tháng 8 và khoảng 29,90 USD đối với bạc tháng 7. Nhìn về phía trước, giá kim loại được hưởng lợi từ những dấu hiệu lạm phát chậm lại, lãi suất giảm nhẹ và sự leo thang bất ổn chính trị tại Hoa Kỳ.
Quan điểm dự báo
USD | Nền kinh tế Mỹ tốt hơn châu Âu | Tích cực |
Vàng | Hỗ trợ ở mức $231x | Tích cực |
Bạc | Biến động mạnh, hỗ trợ ở mức $29,0x – $29,2x | Tích cực |
Đồng | Nhập khẩu đồng tháng 5 của Trung Quốc tăng 16%, về đến vùng hỗ trợ | Tích cực |
Dầu thô | Nhập khẩu dầu thô tháng 5 của Trung Quốc ít hơn có thể hạn chế đà tăng | Tích cực |
Xăng | Dư tồn kho và mức tăng nhu cầu yếu là hạn chế | Tiêu cực |
Khítự nhiên | Giá đã tạo đáy, tuy nhiên phía trên còn cản | Tích cực |
Đậu tương | Nhập khẩu yếu từ Trung Quốc; thay đổi thuế từ Brazil hỗ trợ | Trung lập |
Ngô | Xuất khẩu của Mỹ tích cực | Tích cực |
Lúa mì | Thiên về xu hướng giảm do áp lực từ vụ thu hoạch tại Mỹ | Tiêu cực |
Đường | Sản lượng nghiền mía tại Brazil chậm lại | Tích cực |
Cà phê | Đồng tiền của Brazil yếu hơn gây áp lực lên thị trường | Tiêu cực |
Ca cao | Nguồn cung ngắn hạn vẫn ở trạng thái thắt chặt | Tích cực |
Bông | Lo lắng về nhu cầu ngắn hạn tiếp tục gây áp lực | Tiêu cực |
Kiên Nhẫn Đối Với Thị Trường Vàng Và Bạc
Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 của Hoa Kỳ mạnh mẽ và mức lương trung bình mỗi giờ tăng đã góp phần vào sự sụt giảm lớn của vàng và bạc vào thứ Sáu tuần trước. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá trên thị trường kim loại quý có thể vẫn chưa kết thúc và những đợt sụt giảm sẽ là cơ hội để tham gia thị trường trở lại trong dài hạn. Vị thế mua ròng của các quỹ đầu cơ đối với vàng là 271.000 hợp đồng, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2022. Tương tự, vị thế mua ròng của các quỹ đầu cơ đối với bạc gần đây ở mức 79.000 hợp đồng, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2020.
Sự tăng vọt của đồng đô la Mỹ vào cuối tuần trước có thể sẽ tiếp tục kéo giá kim loại quý giảm sâu hơn trong tuần này. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh của giá vàng toàn cầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu của Trung Quốc quay trở lại.
Mặt khác, bất ổn chính trị tại Hoa Kỳ có thể sẽ gia tăng và mức thâm hụt ngân sách lên tới 35 nghìn tỷ USD đang ngày càng nhận được sự chú ý của các cơ quan xếp hạng tín dụng và các nhà giao dịch.
Đồng Đô La Đang Được Định Giá Cao Sau Báo Cáo Việc Làm
Chỉ số đồng đô la Mỹ biến động mạnh sau dữ liệu việc làm mạnh mẽ đáng ngạc nhiên của Hoa Kỳ hôm thứ Sáu, tăng từ mức thấp nhất trong 2 tháng rưỡi lên mức cao mới hàng tháng.
Bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 tăng 275.000 so với ước tính là từ 180.000 đến 190.000. Đây là mức tăng hàng tháng thứ 41 liên tiếp và kết hợp với sự gia tăng về thu nhập trung bình mỗi giờ, thì điều này đã đẩy lùi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của FOMC. Trái ngược hoàn toàn với Mỹ, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tuần trước.
Mặc dù có khả năng sẽ tiếp tục tăng điểm vào đầu tuần, nhưng chỉ số DXY dường như đang được định giá quá cao vào cuối quý hai. Chỉ số CPI và PPI của Hoa Kỳ đã tăng lên trong năm nay, nhưng vẫn đang thấp hơn nhiều so với mức đỉnh vào đầu năm 2022. Ngoài ra, chỉ số PCE, thước đo lạm phát yêu thích của Fed, so với cùng kỳ trong tháng 4 đạt mức thấp nhất trong 3 năm.
Cuộc họp FOMC vào thứ Tư sẽ bao gồm các dự báo kinh tế mới nhất của Fed. Fed có thể sẽ dự kiến cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay và tăng số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025, điều này sẽ làm giảm sức mạnh gần đây của Đồng đô la.
Tăng trưởng thu nhập trung bình mỗi giờ Duy trì xu hướng giảm dài hạn
Bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 của Mỹ tăng thêm 275.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,0%. Dữ liệu việc làm mạnh mẽ đã làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp FOMC tháng 6 và tháng 7.
Có một dữ liệu khác trong báo cáo hôm thứ Sáu mang lại một số hy vọng về việc cắt giảm lãi suất của FOMC vào cuối năm nay. Thu nhập trung bình mỗi giờ, phản ánh hơn 2/3 tổng số tiền lương trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn một chút so với dự báo thương mại nhưng chỉ là mức tăng hàng tháng lần thứ sáu trong vòng 25 tháng qua.
Tăng trưởng tiền lương thường tăng khi nền kinh tế phục hồi và giảm khi nền kinh tế trì trệ, đồng thời thu nhập trung bình mỗi giờ đã biến động mạnh trong vài năm qua. Thu nhập trung bình mỗi giờ đã duy trì mức giảm dài hạn hơn khi giảm 2,73% trong 25 tháng qua.
Sự sụt giảm thu nhập trung bình mỗi giờ trong hai năm qua là bằng chứng rõ ràng hơn về sự suy giảm lạm phát trong dài hạn. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì sang nửa cuối năm 2024, điều này sẽ củng cố khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần vào cuối năm nay.
Đậu Tương – Thay Đổi Thuế Tại Brazil Có Thể Thúc Đẩy Sự Tăng Giá Ngắn Hạn
Thị trường đậu tương đã bắt đầu có sự phục hồi vào nửa cuối tuần sau một chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp, ghi nhận mức giảm $0.83. Tuy nhiên, đến cuối tuần thị trường đã giảm trở lại gần như toàn bộ mức tăng đó. Ngoài ra, báo cáo đầu tiên về tình trạng cây trồng của mùa vụ sẽ được công bố vào thứ Hai ngày 10/6, và dự kiến sẽ cho thấy hơn 70% cây trồng ở trong điều kiện tốt hoặc xuất sắc.
Sự phục hồi mạnh mẽ hôm thứ Năm cũng là kết quả của gói cải cách thuế bất ngờ được công bố ở Brazil. Các CEO trong ngành đã phản đối gói đề xuất và cho rằng nó có thể làm tăng chi phí, đồng thời làm giảm biên lợi nhuận từ việc ép dầu.
Kế hoạch đã có hiệu lực ngay lập tức và gặp phải sự phản đối mạnh mẽ. Quy trình bỏ phiếu là cần thiết để kế hoạch có hiệu lực lâu dài và nó ẩn chứa các tác động tiềm tàng đến thị trường đậu tương ở Brazil và Mỹ.
Những suy nghĩ ban đầu cho thấy nếu chi phí ở Brazil tăng lên, điều này sẽ mở ra cơ hội cho biên lợi nhuận tốt hơn và có thể tăng nhu cầu cho các nhà chế biến ở Mỹ, và nông dân Brazil có thể ít có xu hướng bán đậu tương đã được dự trữ hơn. Tuy nhiên các nhóm phản đối có thể đủ mạnh để thúc đẩy các nhà lập pháp hủy bỏ kế hoạch này trong vòng 4 tháng.
Dự báo thời tiết khô và ấm hơn cho vùng Trung Tây Hoa Kỳ trong khung thời gian 6-10 ngày cũng đã góp phần vào đợt tăng giá mạnh vào thứ Năm tuần trước. Một số cây trồng được trồng muộn có thể gặp vấn đề về việc nảy mầm nếu đất khô sau khi được trồng trong điều kiện ẩm ướt.
USDA sẽ phát hành báo cáo Ước tính Cung - Cầu tháng 6 vào thứ Tư ngày 12/6, và các kỳ vọng trước báo cáo chủ yếu là tiêu cực, dự đoán rằng tồn kho cuối vụ 2023/24 của đậu tương sẽ không đổi ở mức 350 triệu bushels như tháng 5. Dự kiến tồn kho cuối niên vụ 2024/25 sẽ tăng lên 457 triệu giạ từ mức 445 triệu giạ vào tháng 5. Sản lượng đậu tương của Brazil dự kiến sẽ giảm xuống 152 triệu tấn từ mức 154 triệu tấn vào tháng 5 và dự kiến sản lượng của Argentina sẽ gần như không thay đổi so với tháng 5 ở mức 50 triệu tấn.
Ngô – Xuất Khẩu Của Mỹ Gia Tăng Và Sự Không Chắc Chắn Về Sản Xuất Toàn Cầu Đang Tạo Sự Hỗ Trợ
Báo cáo tình trạng của vụ mùa đầu tiên cho ngô ở Mỹ đã được công bố vào thứ Hai ngày 3/6 và cho thấy điều kiện tốt/xuất sắc rất mạnh mẽ với tỷ lệ là 75%. Để đạt được điều này các điều kiện phát triển cần phải duy trì ở mức lý tưởng.
Bản đồ khô hạn thứ Năm cho thấy diện tích ngô ở Mỹ đang chịu hạn hán chỉ còn 3% so với 45% cùng kỳ năm ngoái. Mô hình mưa lớn gần đây dường như đang kết thúc và dự báo thời tiết khô hơn sẽ ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Tây trong 2 tuần tới, với nhiệt độ tăng sau một đợt lạnh vào đầu tuần tới. Nhiệt độ trên mức bình thường cũng sẽ lan rộng trên toàn bộ vùng Trung Tây Mỹ trong khoảng thời gian 8 - 14 ngày tới.
Dự kiến lượng tồn kho cuối vụ 2023/24 sẽ được cắt giảm nhẹ xuống còn 2.008 triệu giạ, so với 2.022 triệu giạ tháng trước.
Trong khi đó sản lượng ngô của Brazil dự kiến sẽ bị cắt giảm xuống còn 121 triệu tấn từ 122 triệu tấn trong tháng trước và của Argentina xuống 51,2 triệu tấn so với mức 53 triệu tấn tháng trước. Sự khác biệt giữa dự báo của USDA và CONAB vẫn còn cao so với mức bình thường.
Xuất khẩu ngô của Mỹ trong tháng 4 mạnh mẽ ở mức 6.432 triệu tấn, so với 5.894 triệu tấn trong tháng 3 và 5.024 triệu tấn trong tháng 4 của năm ngoái. Dự kiến xuất khẩu của Mỹ sẽ tiếp tục ở mức cao và cần có một vụ mùa vụ ngô ổn định trong mùa này để tránh tình trạng nguồn cung thắt chặt, do đó giá ngô sẽ có sự mua vào mạnh mẽ từ người tiêu dùng trong các giai đoạn giá giảm.