Nhóm Quỹ Dragon Capital vừa công bố đã bán ra 3,17 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong phiên giao dịch ngày 16/8.
Cụ thể, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đã bán hơn 2,34 triệu cổ phiếu, Norges Bank bán ra 300 nghìn cổ phiếu, Amersham Industries Limited và Vietnam Enterprise Investments Limited mỗi bên bán 250 nghìn cổ phiếu, và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust bán ra 30 nghìn cổ phiếu.
Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ nước ngoài tại Hoa Sen giảm từ 8,22% (50,7 triệu cổ phiếu) xuống còn 7,71% (47,5 triệu cổ phiếu). Ước tính theo giá đóng cửa ngày 16/8, Dragon Capital thu về khoảng 64,5 tỷ đồng từ giao dịch trên.
Đáng chú ý, từ ngày 19/6 đến 16/8, Dragon Capital đã bán ròng gần 15 triệu cổ phiếu HSG, hạ sở hữu từ hơn 62,47 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,14%) xuống còn 47,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,71%). Giao dịch bán ròng diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HSG đã giảm hơn 22% trong vòng 2 tháng qua, trước khi có dấu hiệu tăng trở lại trong những phiên gần đây.
Đến phiên 21/8, giá cổ phiếu HSG dừng ở mức 21.050 đồng/cổ phiếu, đánh dấu 4 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, phiên này cũng là phiên thứ 10 liên tiếp khối ngoại bán ròng HSG với tổng giá trị lên đến 264 tỷ đồng (12,8 triệu đơn vị).
Tình trạng bán ròng của HSG không chỉ là hiện tượng đơn lẻ, mà còn phản ánh khó khăn chung của toàn ngành thép, khi cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn khác như Hòa Phát (HPG) cũng đối mặt với áp lực tương tự.
Trong phiên 21/8, HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, với hơn 157,4 tỷ đồng (khoảng 6 triệu đơn vị), đánh dấu phiên thứ 13 liên tiếp bị bán ròng với tổng giá trị lên đến 1.419 tỷ đồng (54,9 triệu đơn vị).
Đọc thêm: Mô hình nến morning star là gì? Làm thế nào sử dụng nến morning star vào giao dịch hiệu quả nhất
Ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với các yếu tố tiêu cực như giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm và các biện pháp phòng vệ thương mại từ Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ.
Theo báo cáo quý III từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặc dù kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp thép lớn như HPG, NKG, HSG có sự tăng trưởng nhờ so với nền thấp của cùng kỳ năm trước, nhưng các yếu tố thuận lợi hiện tại chỉ mang tính nhất thời và không bền vững.
VCBS nhận định ngành thép sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là từ các chính sách bảo hộ thương mại của EU. Đáng chú ý, vào ngày 30/7/2024, EU đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC của Việt Nam do sản lượng xuất khẩu tăng đột biến. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của ngành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu giảm mạnh vào cuối quý II cũng tạo áp lực trích lập giảm giá hàng tồn kho trong quý III. Ước tính đến cuối quý II, tổng giá trị tồn kho của ngành thép trên sàn chứng khoán vào khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ đồng so với cuối quý I. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức tồn kho cao thứ hai trong 7 quý gần nhất.
VCBS dự báo kênh tiêu thụ nội địa của ngành thép có thể phục hồi tốt vào cuối năm khi thị trường bất động sản Việt Nam hồi phục và các dự án đầu tư công được đẩy mạnh. Đặc biệt, biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm HRC và tôn mạ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến có thể được ban hành vào tháng 10-11/2024.
VCBS cho rằng tác động của biện pháp này sẽ rõ nét nhất với sản phẩm HRC, do khi HPG tăng công suất HRC, thị trường nội địa sẽ là đầu ra chính, và việc áp thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng lớn khi khoảng 60-70% lượng tiêu thụ của ngành đến từ nhập khẩu.
Ngược lại, với sản phẩm tôn mạ, tác động của chính sách này có thể không mạnh như giai đoạn 2016-2017, vì tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ còn 30%, thấp hơn nhiều so với mức 100-110% của giai đoạn trước.
Về triển vọng cổ phiếu ngành thép, VCBS tỏ ra không lạc quan. Mặc dù một số cổ phiếu của các công ty vốn hóa vừa và nhỏ như VGS, TVN và TIS có mức tăng ấn tượng nhờ các yếu tố riêng biệt như lợi nhuận từ thanh lý tài sản cố định hay bất động sản, nhưng các cổ phiếu đầu ngành như HPG, HSG, NKG lại gặp nhiều khó khăn.
Với HPG, biên lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng trong quý III/2024 do áp lực trích lập hàng tồn kho và khó khăn trong xuất khẩu HRC. Dự án Dung Quất 2 dù mang lại kỳ vọng lớn khi đi vào hoạt động năm 2025, nhưng khả năng tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách bảo hộ.
Đối với HSG, VCBS dự báo biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp trong nửa cuối năm 2024 do áp lực từ lượng hàng tồn kho lớn và giá thép xuất khẩu giảm. Trong khi đó, NKG cũng gặp rủi ro từ thị trường châu Âu nếu các biện pháp bảo hộ được áp dụng, và sự suy yếu của đối tác lớn trong nước như SMC có thể ảnh hưởng đến kênh tiêu thụ nội địa của NKG.