Trong tuần vừa qua, nhóm hàng nông sản đã dẫn đầu xu hướng giảm của toàn thị trường khi tất cả các mặt hàng đều ghi nhận mức giảm. Đặc biệt, với áp lực bán mạnh mẽ trong suốt 5 phiên giao dịch, giá ngô CBOT đã kết thúc tuần cuối cùng của tháng 6 với mức giảm tới 7,49%.
Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất của giá ngô kể từ đầu tháng 7/2023. Triển vọng nguồn cung từ Mỹ khả quan nhờ diện tích canh tác vượt dự kiến đã tạo áp lực lớn lên giá ngô trong tuần qua, gây hoang mang cho nhiều nhà đầu tư hợp đồng tương lai ngô, bắp.
Điểm nhấn của thị trường tuần rồi là hai báo cáo Tồn kho Ngũ cốc Quý và Diện tích gieo trồng 2024 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào ngày 28/6. Theo báo cáo, tồn kho ngô của Mỹ tính đến ngày 1/6/2024 đạt 4,99 tỷ giạ, cao hơn đáng kể so với dự đoán trung bình của thị trường.
Thêm vào đó, diện tích ngô trồng năm nay ước đạt 91,48 triệu mẫu, tăng mạnh so với con số 90,04 triệu mẫu ước tính hồi tháng 3 của USDA. Con số này cũng vượt qua khoảng dự đoán của các nhà phân tích là từ 89,0 đến 91,3 triệu mẫu.
Trong khi đó, giá lúa mì CBOT mặc dù giảm 0,39% nhưng đã có dấu hiệu ổn định sau 4 tuần lao dốc trước đó. Tuần qua, giá lúa mì diễn biến tương đối giằng co do chịu tác động từ nhiều yếu tố cung cầu trái chiều.
Theo báo cáo Tiến độ Mùa vụ của USDA, khoảng 52% diện tích lúa mì đông (chiếm hơn 70% tổng sản lượng lúa mì hàng năm của Mỹ) đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 23/6, tăng 3 điểm phần trăm so với một tuần trước đó và vượt qua kỳ vọng của thị trường.
Ngoài ra, theo báo cáo Grain Stocks, tồn kho lúa mì cuối niên vụ 2023-2024 của Mỹ đạt 702 triệu giạ, cao hơn mức 684 triệu giạ dự đoán trung bình và gần sát với mức cao nhất trong khoảng dự đoán. Điều này cho thấy nguồn cung lúa mì từ Mỹ sẽ dồi dào hơn trong niên vụ 2024-2025.
Tham khảo nguồn: Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam