Trong bối cảnh thị trường lao động và lạm phát dần hạ nhiệt, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định hạ lãi suất xuống 0,5%.
Đây là mức cắt giảm đáng chú ý, ngoài những đợt cắt giảm khẩn cấp trong đại dịch Covid-19, lần gần đây nhất Fed cắt giảm ở mức tương tự là vào năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Điều này cho thấy sự thay đổi trong chính sách tiền tệ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều biến động.
Cụ thể, quyết định hạ lãi suất này đưa phạm vi lãi suất chuẩn của Fed xuống mức 4,75% - 5%. Đây là mức tham chiếu quan trọng, không chỉ tác động đến chi phí vay ngắn hạn của các ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến các khoản vay tiêu dùng, chẳng hạn như thế chấp nhà, vay mua ô tô và thẻ tín dụng.
Việc cắt giảm lãi suất này nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, từ đó kích thích tiêu dùng và đầu tư, hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.
Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, biểu đồ dot plot của FOMC cho thấy cơ quan này dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay.
Dự báo này thể hiện kỳ vọng của các quan chức về việc lãi suất chuẩn sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới, với mức cắt giảm 1% vào cuối năm 2025 và thêm 0,5% vào năm 2026. Điều này ngụ ý rằng, theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, lãi suất chuẩn có thể giảm khoảng 2% từ nay đến năm 2026, nhằm đưa nền kinh tế về mức lãi suất trung lập.
Theo kế hoạch, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lãi suất chuẩn sẽ kết thúc năm 2025 trong khoảng từ 3,25% - 3,5%, và vào cuối năm 2026, có thể giảm xuống dưới 3%. Những dự báo này phản ánh quan điểm thận trọng nhưng tích cực của FOMC, khi cơ quan này tin tưởng rằng lạm phát đang có xu hướng giảm về mức mục tiêu 2%, trong khi các yếu tố trên thị trường lao động đã bắt đầu cân bằng trở lại.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC nhấn mạnh rằng: “Ủy ban đã có thêm cơ sở để tin rằng lạm phát đang hướng tới mức 2%, và rủi ro trong việc đạt được mục tiêu này ở cả thị trường lao động và lạm phát đã trở nên cân bằng hơn.” Điều này cho thấy Fed tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ đang dần ổn định, với các chỉ số kinh tế dần hồi phục theo hướng tích cực.
Cuộc bỏ phiếu tại FOMC về quyết định này kết thúc với tỷ lệ 11-1, trong đó Thống đốc Michelle Bowman ủng hộ phương án cắt giảm 0,25%, thay vì mức 0,5% như được thông qua. Điều này cho thấy có sự chia rẽ trong quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về mức độ cần thiết của việc nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, FOMC vẫn dự báo mức lãi suất trung lập sẽ dao động quanh mức 2,9%, phù hợp với các kỳ vọng dài hạn.
Về tình hình kinh tế, FOMC ghi nhận rằng tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Các quan chức của Fed cũng nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2024 lên 4,4%, so với dự báo trước đó là 4%, trong khi điều chỉnh triển vọng lạm phát từ 2,6% xuống 2,3%. Đối với lạm phát lõi, dự báo được hạ xuống còn 2,6%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6.
Dù lạm phát đang dần trở về mục tiêu, Fed vẫn giữ quyết định hạ lãi suất do lo ngại về thị trường lao động. Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức khác đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về sự chậm lại trong hoạt động tuyển dụng. Dù tỷ lệ sa thải chưa tăng mạnh, nhưng hoạt động tuyển dụng đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, chỉ còn 3,5%, tương đương với mức thất nghiệp khi nền kinh tế ở mức yếu nhất vào năm 2008.
Việc Fed chuyển từ tăng lãi suất sang giảm lãi suất lần này là lần thứ sáu trong ba thập kỷ qua. Trước đó, các đợt giảm lãi suất của Fed từng diễn ra vào những năm 1995, 1998, 2001 và 2007.
Trong đó, các đợt cắt giảm lớn như vào năm 2001 và 2007 thường báo hiệu nền kinh tế sắp bước vào một chu kỳ suy thoái. Điều này đặt ra câu hỏi liệu lần cắt giảm lãi suất này có phải là dấu hiệu báo trước một chu kỳ suy thoái mới, hay chỉ là một động thái điều chỉnh tạm thời của Fed.
Đọc thêm: Mô hình nến morning star là gì? Làm thế nào sử dụng nến morning star vào giao dịch hiệu quả nhất